Phản ứng về việc thành lập thành phố Tam_Sa

Biểu tình phản đối ở Pháp tháng 12/2007

Thông tin thành lập năm 2007

Có tin nói rằng Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đã phê chuẩn thành lập Tam Sa vào tháng 11 năm 2007, có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông: Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa) và Trung Sa, với diện tích bằng 1/4 diện tích nước Trung Quốc[86][87]. Trong 3 quần đảo trên, quần đảo Hoàng Sa đang thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, còn quần đảo Trường Sa thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, MalaysiaBrunei.

Tuy nhiên vào ngày 18 tháng 12 năm 2007, một quan chức của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã nói rằng việc thành lập Tam Sa không có trong kế hoạch[23].

Việc thành lập thành phố này đã bị Chính phủ Việt Nam phản đối.[88]. Kỳ họp thứ 10 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng khoá VII ngày 7 tháng 12 năm 2007 khẳng định Hoàng Sa là đơn vị hành chính của thành phố này và phản đối Trung Quốc đòi quản lý quần đảo này[89].

Ngày 9 tháng 12 năm 2007, vài trăm người Việt Nam đa số là sinh viên, học sinh đã tập hợp và biểu tình ôn hòa trước cổng Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội và trước Lãnh sự quán Trung Quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh để phản đối Trung Quốc và bảo vệ tuyên bố chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa[90][91][92]. Các cuộc biểu tình ôn hòa lại tiếp diễn vào ngày 16 tháng 12 tại hai thành phố trên[93][94].

Sau đó, trong cộng đồng người Việt hải ngoại và các du học sinh Việt Nam cũng có những cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc thành lập thành phố Tam Sa. Như tại Little Saigon,[95]. Washington D.C.[96]. Los Angeles[97]. Luân ĐônParis để phản đối Trung Quốc.[98].

Khi được hỏi về việc sinh viên Việt Nam biểu tình trước tòa đại sứ và lãnh sự quán Trung Quốc tại Việt Nam, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng quan điểm của chính phủ Trung Quốc là Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi được đối với các đảo trong biển Nam Trung Quốc (Biển Đông) và các lãnh hải xung quanh. Họ cũng thừa nhận rằng Việt Nam đã có tuyên bố chủ quyền trong một số giai đoạn khác nhau trong lịch sử Việt Nam. Bộ ngoại giao Trung Quốc nói rằng Việt Nam và Trung Quốc đã thoả thuận giàn xếp bằng đàm phán và thương lượng, và việc biểu tình làm tổn hại quan hệ song phương[99]. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ hy vọng chính phủ Việt Nam thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chận việc biểu tình tiếp diễn.

Chính thức thành lập năm 2012

Biểu tình phản đối Trung Quốc thành lập Tam Sa tại Hà Nội sáng 8/7/2012

Ngày 21 tháng 6 năm 2012, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật biển Việt Nam, trong đó mô tả quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa là trong phạm vi chủ quyền của Việt Nam. Chính quyền Trung Quốc "mạnh mẽ phản đối" và "kiên quyết phản đối" và theo thứ trưởng Ngoại giao Trương Chí Quân (Zhang Zhijun) "Hành động đơn phương của Việt Nam đã phức tạp và leo thang vấn đề và vi phạm đến sự đồng thuận của cả các nhà lãnh đạo hai quốc gia, cũng như tinh thần của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)" [100]. Và ngay cùng ngày, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa nhân dân Trung Quốc đã thành lập Tam Sa như một phản ứng.[101]

Phía Việt Nam, theo báo Đại Đoàn Kết của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho là "việc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" của phía Trung Quốc là hoàn toàn sai trái và không có giá trị pháp lý." và "kế hoạch thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu và Trung Quốc đã chọn thời điểm này để đưa ra công khai nhằm "trả đũa Việt Nam thông qua Luật Biển"." [102]. Không được xem là phản ứng chính thức, nhưng vài trang mạng xã hội tại Việt Nam đã kêu gọi biểu tình ôn hòa để phản đối quyết định thành lập Tam Sa [103] Và hai cuộc biểu tình đã diễn ra vào sáng ngày 01/07/2012 tại hai thành phố lớn Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh với hàng trăm người tham gia tại mỗi nơi[104] và kế tiếp vào cuộc biểu tình một tuần sau đó ngày 08/07/2012 tại Hà Nội với hàng trăm người tham gia[105] Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Lương Thanh Nghị thì việc Trung Quốc thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa" và triển khai các hoạt động nói trên đã vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và là vô giá trị. Những hoạt động này của Trung Quốc trái ngược với nhận thức chung của Lãnh đạo cấp cao hai nước, vi phạm Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc ký tháng 10/2011; đi ngược lại tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp.[106]

Bộ Ngoại giao Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để biểu thị phản đối việc thành lập thành phố Tam Sa. Philippines cho rằng hành động của Trung Quốc đã "xâm phạm chủ quyền của Philippines đối với quần đảo Kalayaan và Bajo de Masinloc".[7] Tổng thống Benigno Aquino III cho biết chính phủ của ông có thể sẽ yêu cầu Hoa Kỳ giúp đưa máy bay đến tuần tra khu vực biển tranh chấp.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tam_Sa http://www.theaustralian.news.com.au/story/0,25197... http://www.chinaquhua.cn/hainan/xishaqundao.html http://www.cnr.cn/china/news/201104/t20110411_5078... http://www.cnr.cn/gundong/201207/t20120721_5103011... http://english.cntv.cn/20120621/115607.shtml http://english.cntv.cn/program/newshour/20120420/1... http://news.cntv.cn/china/20120622/103046.shtml http://news.cntv.cn/china/20120724/108911.shtml http://www.china.com.cn http://www.china.com.cn/aboutchina/data/bowuguan/t...